Ngành Điện – Điện tử trong xã hội hiện đại

 

Ngành Điện – điện tử là ngành nghề quan trọng trong đời sống và sản xuất, nhưng với nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn những mối băn khoăn đó là: học như thế nào, cơ hội nghề nghiệp và thu nhập ra sao? Bài viết này, sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về ngành này để có thể ra quyết định cho tương lai nghề nghiệp của mình nhé.

Nhu cầu nhân lực ngành Điện- điện tử tăng cao

Ngày nay, nhu cầu nhân lực ngành kỹ sư điện tăng cao do sự gia tăng nhu cầu năng lượng điện , sự phát triển của các hệ thống truyền thông âm thanh và hình ảnh và tự động hóa trong ngành công nghiệp.

Tại Úc, kỹ sư điện là một trong những nghề có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 7,4% so với mức 7 % chung của tất cả các ngành.

 

Biểu đồ ngành điện tại Úc

Biểu đồ cho thấy tăng trưởng việc làm (%) trong vòng 5 năm qua đối với ngành Điện nói chung so với tất cả các ngành nghề

 Kỹ sư điện tại Úc chủ yếu làm những công việc toàn thời gian với thời gian làm việc trung bình là 39,2 giờ/tuần (các ngành nghề khác là 40,9/tuần) và thu nhập trước thuế là là $ 2.000 (tương đương 43 triệu VND/tuần). (Nguồn: Joboutlook.gov.au)

Tại Mỹ, nghề kỹ sư điện chiếm hai phần ba (trên tổng số 1,6 triệu) lực lượng lao động kỹ thuật của Mỹ. (Nguồn: www.forbes.com)

Tại Ấn Độ, nhu cầu nhân lực Kỹ sư điện khá cao. Trong những năm gần đây, khắp nơi ở Ấn Độ nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, điều này đem đến nhiều cơ hội cho các kỹ sư điện. Mức lương trung bình của một kỹ sư điện ở Ấn Độ khoảng 453,235 Rupi mỗi năm

Các kỹ sư có thể làm việc trong các nhà máy điện nguyên tử, hoặc các nhà máy nhiệt điện. Cơ hội việc làm là phong phú từ công ty tư nhân đến nhà nước như đường sắt, hàng không dân dụng, các công ty tiện ích, thiết kế và tư vấn, các công ty điện và tất cả các ngành công nghiệp sản xuất. ( theo www.plancessjee.com

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015.Tại Việt Nam, các ngành thuộc lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), Công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến và phụ trợ, dệt may, xây dựng, vận tải và nông sản xuất khẩu sẽ rất phát triển. Hiện nay, các nhà máy đều đang hướng đến tự động hóa điều khiển máy móc thông qua các hệ thống điều khiển theo đó nhu cầu nhân lực ngành Điện- điện tử sẽ tăng cao. Vì vậy, cơ hội việc làm cho những sinh viên theo học những nhóm ngành nói trên là rất cao.

Ngành Kỹ thuật Điện – điện tử học gì?


Ở bậc đại học, kỹ thuật điện điện tử còn được nhiều trường phân ngành chuyên sâu hơn như là điều khiển tự động, điện tử viễn thông... Các chuyên ngành này đều trang bị, cập nhật cho sinh viên những kiến thức cơ bản và chuyên ngành về kỹ thuật, thiết kế, điều hành sản xuất trong lĩnh vực mình đã lựa chọn. Cụ thể, sinh viên sẽ được học nhiều kiến thức liên quan đến khí cụ điện hạ áp, hình họa, vẽ kỹ thuật, máy điện, vật liệu điện, đo lường điện, vẽ điện, kỹ thuật truyền thanh, kỹ thuật truyền hình, kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật cao tần, mạch điện, an toàn điện...

Đặc biệt đây là một ngành học đòi hỏi phải được thực tập nhiều nên trong quá trình học, mỗi sinh viên cũng phải trải qua hàng chục phần thực hành khác nhau. Ở các bậc cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chuyên ngành kỹ thuật tuy lượng kiến thức được đào tạo không nhiều như bậc đại học nhưng người học có cơ hội được thực hành nhiều hơn.

Ngành Điện - Điện tử làm gì khi ra trường?


Hiện nay tất cả thiết bị sản xuất, gia dụng phục vụ cho các hoạt động trong đời sống hàng ngày đều sử dụng nguồn điện. Chứng tỏ nguồn năng lượng điện vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng và cần thiết đối với đời sống con người. Có thể vì lý do này nên Kỹ thuật điện - điện tử chưa bao giờ là ngành học cũ và nguồn nhân lực cho việc vận hành, quản lý đối với nhóm ngành này cũng không hề nhỏ. Chính vì vậy, sinh viên ngành Kỹ thuật điện – điện tử sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, với nhiều cơ hội đa dạng và phong phú như: Có thể làm việc tại công ty điện lực, các nhà máy sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện, các phòng thí nghiệm, cơ sở kinh doanh, nghiên cứu về qui hoạch mạng điện, có thể làm việc với vai trò là người trực tiếp lao động, vận hành trong tất cả lĩnh vực trên hoặc cũng có thể tham gia thiết kế, tư vấn việc sử dụng điện và các thiết bị điện tử cho các công trình vừa và nhỏ, có thể tham gia công tác trực tiếp hoặc tư vấn thiết kế, vận hành mạng lưới điện tại tất cả công ty, nhà máy sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao.

Ngoài ra, kỹ sư Điện - Điện tử còn có thể làm việc trong ngành bưu chính viễn thông, Tổng cục Điện tử Việt Nam và các công ty trực thuộc...

Với vai trò quan trọng và cơ hội nghề nghiệp đa dạng, sinh viên ngành Điện – Điện tử có thể tự tin về một việc làm phù hợp với mức thu nhập ổn định sau khi ra trường.

Theo http://oisp.hcmut.edu.vn/